Tại Mỹ, hơn 2.000 người đã bị bắt giữ kể từ ngày 18/4 vừa qua liên quan tới các cuộc biểu tình trong các trường đại học nhằm phản đối chiến tranh tại Gaza. Tâm điểm là tại khuôn viên Đại học Columbia chi nhánh Los Angeles khi đụng độ xảy ra giữa nhóm người biểu tình ủng hộ Israel với những người ủng hộ Palestine. Tình trạng hỗn loạn cũng xảy ra tại Đại học Columbia chi nhánh New York, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp.

Biểu tình phản đối xung đột ở Gaza diễn ra ở Sydney, Australia, ngày 3/5/2024. Ảnh: Reuters

Làn sóng biểu tình lần này là đợt đấu tranh lớn nhất của sinh viên Mỹ kể từ làn sóng chống phân biệt chủng tộc năm 2020. Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi làn sóng biểu tình mới nhất này nổ ra, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng cho thấy lập trường cân bằng đối với một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc tại Mỹ khi nhấn mạnh tầm quan trọng của cả quyền tự do ngôn luận và việc thượng tôn pháp luật.

“Tất cả chúng ta đều đã thấy hình ảnh về những gì xảy ra tại các khuôn viên trường đại học và điều này đang thách thức 2 nguyên tắc cơ bản của nước Mỹ. Đó là quyền tự do ngôn luận và quyền của mọi người được biểu tình hoà bình. Thứ 2 là việc thượng tôn luật pháp. Trên thực tế, biểu tình ôn hoà là một truyền thống và cách để người Mỹ phản ứng trước các vấn đề mang tính hậu quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng không phải là một quốc gia vô pháp luật, trật tự phải được ưu tiên”, Tổng thống Biden nói.

Không chỉ tại Mỹ, các cuộc biểu tình phản chiến cũng diễn ra tại nhiều trường đại học tại Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ. Tại Australia, các trại biểu tình đã được dựng lên ở 7 trường đại học trên khắp cả nước từ Melbourne, Sydney ở phía Đông Nam, đến Adelaide ở miền Trung và Perth dọc theo bờ biển phía Tây.

Còn tại Pháp, chính quyền đã phải huy động cảnh sát chống chống bạo động nhằm đảo bảm an ninh trật tự tại các trường Đại học, trong đó có Đại học Sciences Po ở thủ đô Paris và Đại học Sorbonne. Mặc dù khẩu hiệu của các cuộc biểu tình là không giống nhau, nhưng phần lớn đều kêu gọi các trường đại học thoái vốn khỏi bất kỳ công ty nào có liên hệ với Israel hoặc các doanh nghiệp đang thu lợi từ xung đột tại Gaza, minh bạch hơn về tài chính của trường và miễn trừng phạt các sinh viên cũng như giảng viên bị kỷ luật trong các cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh các bên liên quan xung đột giữa Hamas và Israel đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza. Mỹ, Ai Cập và Qatar đang thúc đẩy 1 kế hoạch gồm 3 giai đoạn nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức kéo dài 6 tuần tại Gaza, thả các con tin và hướng tới đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Tuy nhiên triển vọng vẫn là chưa chắc chắn khi lập trường giữa các bên vẫn còn những khác biệt. Trong khi Hamas muốn Israel rút quân hoàn toàn và chấm dứt chiến tranh, thì Israel vẫn coi việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự và muốn có quyền kiểm soát an ninh đối với dải Gaza thời hậu chiến.

Yêu cầu về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Một báo cáo công bố hồi tuần này của Liên Hợp Quốc cho thấy, nếu xung đột giữa Israel và Hamas chấm dứt ngay lập tức, thì vẫn phải cần đến 16 năm mới xây dựng lại được tất cả những ngôi nhà đã bị phá huỷ tại Gaza. Báo cáo cũng cảnh báo rằng những thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ cản trở sự phát triển của nhiều thế hệ tại vùng lãnh thổ Palestine nhỏ bé này.